Văn hoá sapa – Nét đẹp trong mắt du khách

Trang phục người dao đỏ

Nằm trên vùng cao Tây Bắc, nhưng Sapa luôn khiến người ta phải nhớ thương. Vậy nên du khách gần xa thường rủ nhau cùng vi vu trên những cung đường đèo lộng gió, tìm trong tầng không hương đại ngàn vẩn vương quanh mũi, và nghe tiếng hát đưa tình da diết của những thiếu nữ bản xa.

Nhiều người ví von Sapa là nàng thơ của đất trời Tây Bắc, là tình nhân của những kẻ lữ khách đường xa. Đến Sapa, du khách không chỉ bị mê hoặc bởi khung cảnh thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, mà còn có cơ hội khám phá nét đẹp văn hóa của người dân bản địa. Sapa mộc mạc nhưng ân tình không dứt, Sapa khiến bảo kẻ đi chẳng muốn về.

PHONG TỤC TẬP QUÁN SAPA

Vì là nơi tập trung của rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nên đến với Sapa du khách sẽ có cơ hội khám phá rất nhiều phong tục tập quán đã tồn tại bao đời nay của người dân bản địa. Mỗi làng bản, mỗi dân tộc lại có những phong tục tập quán đặc trưng riêng, tựu chung lại tạo nên một đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc cho thị trấn sương mù này.

Nếu muốn tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của đồng bào H’ Mông, du khách có thể ghé bản Cát Cát- San Sả Hồ, Lao Chải, Sa Pả. Những người Dao đỏ lại sinh sống tập trung tại các bản Tả Phìn, Suối Thầu, Nậm Cang, Thanh Kim, Trung Chải, nơi có những thung lũng hay ở lừng chừng núi để trồng ngô, trồng lúa. Người Tày ở Nậm Sài, Bản Hồ, Thanh Phú, là vùng bằng phẳng, có nhiều sông, suối thuận tiện cho việc đán bắt cá và làm ruộng.

Người Giáy ở Lao Chải – Tả Van. Người Xa Phó lại chọn những nơi xa xôi, tít Nậm Sài, giao thông đi lại khá khó khăn, do đó họ không thường xuyên tiếp xúc với những địa phương khác, họ giỏi về chăn nuôi gia súc, trồng bông, dệt vải và đan lát đồ mây tre.

Ngày nay, ngoài ngôn ngữ riêng, các dân tộc ở Sapa đều có thể nói tiếng phổ thông. Tuy nhiên, mỗi dân tộc lại có những phong tục rất riêng, những kiêng kị trong đời sống thường ngày cũng như các tập tục ma chay, cưới hỏi.

Một điểm du khách đặc biệt lưu ý nếu đến thăm các bản làng ở Sapa đó là: nên xin phép trước khi ghé thăm nhà của người đồng bào hay muốn chụp hình cùng họ, không tự tay chạm vào các linh vật, không đi vào những khu vực linh thiêng và hãy mua vài món đồ thủ công của dân địa phương như cách bạn muốn hiểu hơn về cuộc sống của họ.

Du lịch Sapa, du khách cũng đừng quên ghé chợ phiên nhé. Chợ phiên Sapa rất đặc sắc, không chỉ là nơi để người dân trao đổi buôn bán hàng hóa mà còn là nơi để các nam thanh nữ tú gặp gỡ, trò chuyện, hẹn hò lưa đối. Có thể coi chợ phiên chính là một bức tranh đa màu sắc của văn hóa Sapa, nên hãy đến và trải nghiệm nhé.

Đặc biệt, Sapa còn có chợ Tình, nơi những chàng trai, cô gái trẻ trung xúng xính trong những bộ váy thổ cẩm tuyệt đẹp, rực rỡ màu sắc cùng nhau nhảy múa, hát hò, tạo nên một bầu không khí vô cùng tươi vui, sôi động. Chợ tình Sapa như nơi kết lương duyên cho biết bao đôi vợ chồng, để  rồi mỗi lần tới phiên chợ, người ta lại mong ngóng, đợi chờ.

CÁC LỄ HỘI VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

Có thể nói những lễ hội truyền thống chính là một cách phản ánh đủ đầy nhất nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền, qua đó người dân bản địa thể hiện niềm tin tín ngưỡng, đời sống tâm linh và các phong tục được lưu truyền, gìn giữ qua biết bao thế hệ. Du lịch Sapa, du khách có cơ hội được hòa mình vào bầu không khí lễ hội đầy vui tươi của các dân tộc. Đó là Hội Roóng Poọc của người Giáy, được tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch hàng năm.

Trước đây, nó chỉ là lễ hội riêng của người Giáy nhưng sau đó đã lan rộng và trở thành lễ hội chung của các dân tộc ở thung lũng Mường Hoa. Tại đây, những người dân bản địa cầu mong một vụ mùa bội thu, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người đều có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bên cạnh đó, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian, cùng hoạt động nhảy múa vô cùng hấp dẫn.

Người Dao tại Sapa lại có Lễ Tết Nhảy diễn ra vào mồng 1 hoặc mồng 2 Tết âm lịch như một cách thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn và ước mong người yên vật thịnh.

Người Mông có hội Gầu Tào nhằm cầu phúc cho những gia đình không có con, thưa con hay sinh con một bề và cầu mệnh cho những nhà có người ốm đau, bệnh tật, con cái yếu ớt hay mùa màng, vật nuôi lụi dần.

Người Xa Phó có lễ quét làng tổ chức vào ngày ngọ, ngày mùi tháng hai âm lịch. Khi đó, mọi người trong làng trong bản cùng góp lợn, dê, gà, chó, gạo, … để làm mâm cúng các loài ma. Sau khi thầy cúng làm lễ, mọi người cùng nhau vẽ mặt nhảy múa để cầu mong cuộc sống bình yên, mùa màng bội thu.

Nếu có dịp ghé Sapa, cùng đừng quên Lễ hội xuống đồng. Đó là một lễ hội đầu xuân của người Tày được tổ chức vào mồng 8 Tết hằng năm. Lễ hội này khá đặc sắc với các nghi thức rước đất, rước nước, cúng giao linh cùng phần hội sôi động với những điệu múa, đặc sắc nhất là điệu xòe của các cô gái Tày trong bộ váy xòe duyên dáng, lan đều theo tiếng kèn và nhịp trống tưng bừng. Ở đó, du khách còn bắt gặp các trò chơi dân gian như nèm còn, đẩy gậy, bịt mắt bắt dê… đầy thú vị.

Văn hóa Sapa luôn là điều khiến bao người phải say mê mà khám phá, văn hóa Sapa như kể lại một câu chuyện dài về vùng đất và con người dân tộc rẻo cao. Và hôm nay, một lần lên Sapa xa xôi ấy, tìm về những bản làng bình yên, ta lại thấy lòng dập dìu cùng điệu múa thiết tha, lời ca da diết mà hôm nào đó ta đã bắt gặp một lần. Lên Sapa thôi, bởi đã lỡ say cái hồn nơi ấy.